Chủ Nhật, 24 tháng 3, 2013

Những chữ Song Hỷ dùng trong đám cưới từ khi nào?


Những chữ Song Hỷ dùng trong đám cưới từ khi nào?

Ở Trung Quốc và một số nước châu Á, nếu trên cửa ra vào hay trên tường nhà nào có dán chữ Hỷ màu đỏ thì người ta đều biết ngay rằng ở nhà đó vừa có chuyện vui. Tương truyền rằng việc dán chữ Hỷ trong đám cưới là do nhà chính trị lớn triều nhà Tống, Vương An Thạch khởi xướng.

Hồi ông còn trẻ lên kinh thành đi thi, được qua một nơi gọi là Gia Mã Trấn, tại trấn này có một nhà tài chủ họ Mã, trước cửa nhà treo một cây đèn kéo quân, trên chiếc đèn có viết mấy chữ:

Tẩu mã đăng, đăng mã tẩu, đăng tức mã đình bộ

(Đèn kéo quân, ngựa đèn chạy, đèn tắt ngựa dừng bước)

Cây đèn này đã làm cho người ta hết sức chú ý, Vương An Thạch thấy thế ghi nhớ trong lòng. Cũng vừa may hôm sau ở trong trường thi Vương An Thạch là người đầu tiên nộp quyển, quan coi thi thấy ông làm bài nhanh như thế, muốn thử sức làm câu đối xem sao, bèn chỉ lá cờ thêu hình con hổ bay treo ở trước cửa, ra vế đối:

Phi hổ kỳ, kỳ hổ phi, quyển hổ tàng thân
(Cờ hổ bay, hổ trên cờ bay, cờ cuốn hổ náu mình)

Vương An Thạch nhớ tới những chữ viết trên cây đèn kéo quân bèn lấy ngay làm vế đối thứ hai, lập tức đối luôn:

Tẩu mã đăng, đăng mã tẩu, đăng tức mã đình bộ

Quan coi thi thấy Vương An Thạch làm vế đối thứ hai của câu đối cũng thần tốc như thế cho nên càng khen ngợi nhiều hơn.

Sau khi thi xong, Vương An Thạch lại qua Mã Gia Trấn, ông hỏi thăm thì biết rằng tài chủ họ Mã vốn có cô con gái yêu chưa lấy chồng. Câu đố trên cây đèn chính là ông đưa ra để kén rể.
Sau khi biết như thế, Vương An Thạch lại đem vế đối của viên quan giám khảo nêu ra để đối lại và viết lên giấy đưa cho tài chủ họ Mã xem. Tài chủ họ Mã vui mừng khôn xiết, lập tức hứa gả con gái cho Vương An Thạch.

Không bao lâu sau Vương An Thạch kết hôn cùng cô con gái của tài chủ họ Mã. Giữa hôm cô dâu và chú rể làm lễ lạy trời đất thì các sai dịch đến báo tin: “Vương đại nhân thi đỗ rồi”. Vương An Thạch nghĩ rằng bản thân mình được động phòng hoa chúc là một điều “hỷ”, tên mình được nêu tên trên bảng vàng lại là một điều “hỷ” nữa, vì thế ông lấy ngay một tờ giấy đỏ, viết lên đó hai chữ “hỷ” thành một chữ “Hỷ” do ông mới sáng tạo ra để thay cho hai chữ “hỷ” đơn dán lên cửa. Vì chữ “Hỷ” này biểu hiện đầy đủ nhất không khí vui mừng trong đám cưới, cho nên trong các lễ cưới người ta đều dán chữ “Hỷ” đỏ thắm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét