Chủ Nhật, 24 tháng 3, 2013

Châu Phi đã bị chia cắt như thế nào?


Châu Phi đã bị chia cắt như thế nào?


Châu Phi trong con mắt của người châu Âu hàng nghìn năm nay vẫn là mảnh đất thần bí. Ngay từ thế kỷ thứ năm trước Công nguyên, trong sách của Hê-rôt-đơ-tôt (Herodotus), nhà sử học Hy Lạp cổ vẫn được mệnh danh là “Cha đẻ của lịch sử” đã mô tả sa mạc, sông lớn và rừng rậm của châu Phi. Nhưng người châu Âu hiểu biết về châu Phi quá ít, trong một thời gian dài châu Phi chỉ được coi là một dải bờ biển, chứ không phải là một châu lục. Khi đó người châu Âu vẽ trên bản đồ, phần đất của châu Phi vẫn bỏ trống. Trên đó chỉ vẽ mấy con sông lớn. Ngoài ra chỉ có những con voi.

Đầu thế kỷ XV, thực dân châu Âu bắt đầu đặt chân lên mảnh đất thần kỳ này. Năm 1415, người Bồ Đào Nha đi qua eo biển Gi-bơ-ran-ta (Gibraltar) chiếm thành Xơ-ta (Centa) của Ma Rốc, xây dựng một căn cứ điểm thực dân đầu tiên ở châu Phi. Tháng 3 năm 1488, Đi-at (Baratolomeu Dias) là người Bồ Đào Nha cùng với thuỷ thủ của ông đổ bộ lên cực Nam của bờ biển châu Phi. Nơi đây được quốc vương Bồ Đào Nha đặt tên là mũi Hảo Vọng – có nghĩa là miền đất mang lại “những hy vọng tốt đẹp”, nhưng nó đã mang lại cho châu Phi tai họa hàng mấy trăm năm về sau. Song song với con đường biển mới khai phá, thực dân châu Âu bắt đầu xâm lược châu Phi.

Năm 1602 Hà Lan thành lập công ty Đông Ấn, năm 1626 lại thành lập công ty Tây Ấn. Chính phủ Hà Lan quy định lấy sông Ka-phu-ê (Kafue) làm gianh giới. Phía Đông thuộc về công ty Đông Ấn, phía Tây thuộc về công ty Tây Ấn. Đến nửa sau thế kỷ XVII, Anh và Pháp tăng cường xâm lược châu Phi. Hầu như toàn bộ vùng ven biển châu Phi đều bị thực dân phương Tây chiếm lĩnh.

Sau khi bọn thực dân cướp xong vùng ven biển, chúng bắt đầu xâm nhập vào nội địa với quy mô lớn. Đến năm 1876, Anh đã chiếm xong Nam Phi, Zambia, Sieraleono, Ghana và vùng ven biển Ni-gie-ria; Pháp chiếm Senegal, Algeria, Guinea, Bờ Biển Ngà (Ivory Coast), DahoMe nay là Bê-nanh (Benin); Bồ Đào Nha chiếm một phần sa mạc Sahara.

Đến cuối thế kỷ XIX, cùng với bước quá độ sang chủ nghĩa đế quốc, các nước phương Tây tăng cường xâu xé mảnh đất châu Phi. Năm 1876 họ triệu tập họp địa lý quốc tế ở Bruc-xen (Bỉ), sau khi hội nghị kết thúc họ vội vã bắt tay ngay vào hành động.

Dã tâm xâm chiếm và xâu xé lục địa châu Phi của bọn đế quốc chủ nghĩa đã gây nên những trận đấu đá triền miên, khi thì đao búa súng gươm, khi thì ngoại giao ngọt nhạt, ký kết hiệp ước này đến hiệp ước kia để chuyển nhượng các vùng đất thuộc địa.

Mãi đến cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX các nước phương Tây mới ăn chia xong châu lục lớn thứ nhì thế giới này. Trong đó Pháp chiếm 10.790.000 km2, 35,6% diện tích châu Phi; Anh chiếm 8.860.000 km2, 29% châu Phi; Đức chiếm 2.340.000 km2, 7,7% châu Phi; Bỉ chiếm 2.340.000, 7,7% châu Phi; Italia chiếm 2.333.000 km2, 7,75%; Bồ Đào Nha chiếm 2.000.000 km2, 7%; Tây Ban Nha chiếm 300.000 km2, 1% diện tích châu Phi.

Sang đầu thế kỷ XX, trên lục địa châu Phi chỉ còn Ê-ti-ô-pia và Li-bê-ria là còn độc lập về danh nghĩa. Còn tất cả các miền đất khác đều bị các nước châu Âu chia nhau hết

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét