Thứ Năm, 21 tháng 3, 2013


Chất nhớt trên mình cá có tác dụng gì?


Chất nhờn giúp bảo quản cá tự nhiên vài giờ sau khi bị đánh bắt.

Với một con cá trôi hay một chú cá chép đang tràn trề sức lực, thì dù nó ở trong chậu, bạn cũng phải tốn khá nhiều calo mới bắt được nó. Lớp áo nhờn bao quanh mình cá đã phát huy phần nào tác dụng lợi hại của mình.


Khi cá còn sống, trên da của nó có một lớp tế bào hình thoi luôn luôn tiết ra chất nhờn rất trơn. Chất nhờn này bao phủ khắp mình cá giúp chúng bơi lội dễ dàng trong nước, đồng thời giúp cá không bị các loài động vật ký sinh, vi khuẩn và các sinh vật nhỏ dưới nước xâm nhập qua da. Chất nhờn cũng giúp cho da cá có khả năng thẩm thấu bình thường và ngăn các chất bẩn trong nước thấm vào mình, ảnh hưởng tới sức khoẻ.

Ngoài ra, thứ chất trơn nhẫy này còn có tác dùng kết tụ và lắng trong chất bùn trong nước, làm cho nước thêm trong, kéo dài tuổi thọ của những loài thường xuyên phải sống trong môi trường nước đục. Lũ cá sống ở môi trường nước trong, mỗi khi có nước lũ hoặc mưa to làm đục nước, chất nhờn trên mình chúng có vai trò như "phèn chua" tự nhiên làm kết lắng bùn bẩn, giữ cho mang cá sạch sẽ để hô hấp bình thường.

Đến mùa sinh đẻ, da loài cá gai đực tiết ra nhiều chất nhầy kết chặt các cây cỏ dưới nước thành tổ cho cá gai cái đẻ trứng vào đó. Có một loài cá rô đực còn thổi ra những bong bóng nhỏ kết hợp với chất nhờn tiết từ da để tạo nên những bong bóng nổi trên mặt nước, trứng cá cái sẽ dính vào dưới những bong bóng đó.

Sau khi cá chết, do da cá vẫn còn lớp chất nhờn bao bọc ngăn vi khuẩn thâm nhập nên cá không thối rữa ngay. Chỉ khi nào vi khuẩn phân huỷ hết lớp chất nhờn trên mình cá (khoảng vài giờ) cá mới ươn và thối rữa.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

link:cua cuon